Với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đám cưới thì nhất định đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Các hạng mục đầu việc cần bắt đầu chuẩn bị cho đám cưới trước 2 tháng
Họp mặt hai bên gia đình
Đây là bước đầu tiên cũng rất quan trọng để cả hai gia đình đều đi đến thống nhất về sự chuẩn bị cho ngày trọng đại. Tuỳ thuộc vào văn hoá mỗi vùng miền mà các nghi thức lễ cưới đơn giản hay phức tạp. Trong buổi họp mặt này sẽ phân chia từng hạng mục cũng như dự trù ngân sách phù hợp.
Sửa nhà cửa
Sau khi hai bên gia đình đã họp mặt để tiến hành chuẩn bị cho lễ kết hôn của cô dâu và chú rể, mỗi nhà sẽ có sự chỉnh trang lại căn nhà của mình. Tuỳ thuộc vào ngân sách cũng như sở thích trang trí mà mỗi nhà cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc sửa sang nhà cửa sẽ giúp hôn lễ thêm phần trang trọng, tạo sự thoải mái cho khách mời khi đến tham dự.
Xem ngày
Nếu đã là người Việt Nam không thể thiếu bước xem ngày cưới để ấn định ngày cụ thể mà sự kiện diễn ra. Việc xem ngày thông thường sẽ diễn ra sau khi cả hai bên gia đình họp mặt bàn bạc xong, song song với công đoạn sửa sang nhà cửa chuẩn bị cho ngày lành tháng tốt.
Lập bảng kế hoạch ngân sách
Đây là bước cực kỳ quan trọng, dự trù hầu như toàn bộ chi phí của lễ cưới cũng như các hạng mục. Tùy vào tính chất lễ cưới của mỗi nhà để lên ngân sách cho phù hợp. Lễ cưới cơ bản của người Việt thường có đám hỏi, lễ gia tiên, tiệc cưới. Nhưng đối với hai gia đình cách xa về mặt địa lý thì có thể phải tổ chức 2 tiệc cưới, hoặc có thể còn tổ chức tiệc báo hỷ, tiệc thân mật,… với hàng xóm, người thân, bạn bè ở xa.
Mỗi lễ tiệc đều có các hạng mục từ nhỏ đến lớn như trang trí, thiệp mời, trang phục, mâm quả, địa điểm, thực đơn, âm thanh, ánh sáng… cần được chuẩn bị chỉn chu và thống nhất.
Lên danh sách khách mời
Số lượng khách mời là yếu tố quan trọng mà cô dâu chú rể cùng với hai bên gia đình đã thống nhất trong buổi họp mặt. Chia đều hai bên gia đình, thêm các mối quan hệ thân thiết của cô dâu chú rể và ước tính cả số lượng người phát sinh. Danh sách khách mời sẽ giúp bạn ước tính số lượng cho địa điểm đặt tiệc và đặt món.
Chọn địa điểm tổ chức
Địa điểm tổ chức nên thuận tiện cho việc đi lại của cả hai gia đình, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như sức chứa, không gian, dịch vụ, chất lượng món ăn. Nếu có quá nhiều lựa chọn trong cùng một phân khúc giá thì bạn nên lấy ý kiến tham khảo từ những bạn bè người thân từng có kinh nghiệm tổ chức, họ sẽ tư vấn cho bạn ưu – khuyết điểm của từng nơi.
Bắt tay vào chuẩn bị đám cưới trước 1 tháng
Thử áo dài, váy cưới
Thời điểm 1 tháng là thời gian thích hợp để thử áo cưới vì vóc dáng cô dâu không thay đổi nhiều. Cần xác định đâu là kiểu váy hợp với dáng người để tôn lên vẻ ngoài của cô dâu một cách lung linh nhất. Trước khi thử váy cưới thì cô dâu cũng cần chuẩn bị trước một số kiểu dáng yêu thích của mình, từ đó dễ dàng lựa chọn hơn. Nên đi thử váy cưới với 1-2 người bạn thân có gu thẩm mỹ để họ có thể tư vấn mẫu nào phù hợp nhất.
Chọn vest cho chú rể – phụ huynh
Việc chọn vest cho chú rể, phụ huynh nam cũng vô cùng quan trọng. Màu sắc, chất liệu, kiểu dáng phù hợp với độ tuổi của chú rể sẽ giúp họ tự tin hơn trong ngày cưới. Nếu chú rể không có nhu cầu sử dụng vest thì việc thuê vest cũng giúp tiết kiệm được ngân sách cưới hơn việc may đấy.
Đặt thiệp mời
Với thiệp mời, bạn nên gửi khách mời trước 2 tuần để họ có sắp xếp thời gian tham dự bữa tiệc. Vậy nên bạn cần chốt số lượng khách mời từ đó chọn mẫu thiết kế, in thiệp trước 1 tháng để được tiết kiệm thời gian. Nếu có sai sót thông tin trong thiệp hay cần chỉnh sửa màu sắc, hoa văn thì vẫn không bị quá trễ thời gian gửi thiệp. Thiệp mời có rất nhiều đơn vị in ấn, nhưng có nhiều yếu tố như tuỳ nơi tuỳ mẫu thiết kế hay chất liệu giấy sẽ có giá thành chênh lệch nhau. Bạn cũng nên tham khảo một số đơn vị uy tín từ người thân bạn bè để có được sự lựa chọn tốt nhất.
Tham khảo và đặt lịch đơn vị decor
Trang trí là một hạng mục rất quan trọng dù là lễ gia tiên hay tiệc cưới. Hiện nay có rất nhiều đơn vị trang trí tiệc cưới trên thị trường nên nếu bạn đã có ý tưởng cho lễ kết hôn của mình thì việc tìm đến họ và trình bày mong muốn thì rất dễ dàng. Quan trọng là bạn cần lựa chọn đơn vị uy tín và có nhiều kinh nghiệm, hiểu được ý tưởng của bạn đấy. Đặt lịch sớm sẽ giúp bạn chủ động được thời gian cũng như giữ suất cho tiệc cưới của bạn. Trong trường hợp mùa cưới có rất nhiều tiệc cưới vào cuối tuần thì đặt lịch sớm sẽ giúp bạn được ưu tiên hơn.
Đặt mâm lễ cưới
Mâm lễ cưới rất quan trọng trong lễ gia tiên. Mâm lễ cưới hỏi cơ bản gồm có trầu – cau, trà – rượu, mặn – ngọt (như gà xôi/ heo quay/ giò chả – trái cây/ bánh kem/ bánh phu thê…).
Chọn nhẫn thành hôn
Ngoài nhẫn thành hôn của cô dâu và chú rể, còn có hộp trang sức cưới mà nhà gái chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng. Theo nghi lễ của người Việt thì trang sức cưới thường được làm bằng vàng. Nhưng hiện nay có rất nhiều nguyên liệu chế tác trang sức có giá trị như bạc, bạch kim, ngọc trai làm cho sự lựa chọn của mỗi gia đình thêm phong phú và phù hợp với ngân sách từng nhà. Nếu gia đình bạn điều kiện kinh tế chưa khá giả hãy nghĩ đến phương án thuê trang sức cưới để đủ lễ nghi mà còn rất tiết kiệm.
Thống nhất thực đơn
Sau khi đã lựa chọn được địa điểm tổ chức sự kiện tiệc cưới của mình thì cô dâu và chú rể tiến hành gặp mặt quản lý để chọn lựa thực đơn cho bữa tiệc ấy. Tuỳ thuộc vào menu tiệc cưới của địa điểm ấy có phong phú và chất lượng mà bạn sẽ có được những danh sách món thích hợp, tiện lợi cho khách mời trải nghiệm. Bạn cũng có thể gợi ý một số món ăn bạn đặc biệt ấn tượng và yêu thích không có trong menu, các nhà hàng trung tâm hội nghị sẽ linh hoạt thực hiện theo mong muốn của bạn.
Đặt lịch trang điểm
Trang điểm cho cô dâu, mẹ cô dâu, mẹ chú rể cũng là một hạng mục cần đặt lịch trước để người làm có thể sắp xếp thời gian, lịch trình, nhân lực vì trang điểm cần thời gian lên đến vài tiếng đồng hồ trước lễ cưới. Chuyên viên trang điểm thường có thể linh động làm việc nhưng tránh trường hợp họ có quá nhiều lịch trong cùng ngày, từ đó làm qua loa với dịch vụ của bạn.